Cụ tổ và cái nôi sáng lập ra môn phái Vovinam
Võ sư sáng tổ môn phái Vovinam - Việt Võ đạo là cụ Nguyễn Lộc, sinh ngày 8/4/1912 tại làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Ông lớn lên trong thảm cảnh nước mất nhà tan. Giữa lúc các nhà chí sỹ yêu nước ngày đêm vận động, cổ suý tinh thần yêu nước trong quốc dân để thúc đẩy thanh niên vào con đường cách mạng, thì võ sư Nguyễn Lộc lại âm thầm theo đuổi con đường riêng thể hiện tấm lòng và chí khí của mình.
Ông quan niệm muốn đưa cuộc cách mạng dân tộc đến chỗ thành tựu, cần gây cho thanh niên một ý thức cách mạng, một tinh thần quật cường, một nghị lực quả cảm song song với một thân thể đanh thép, vững chắc, sức lực mạnh mẽ dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ. Nuôi hoài bão lớn ấy, ngoài việc trau dồi học vấn và đạo đức, ông nỗ lực sưu tầm, học hỏi, luyện tập hầu hết các môn võ thuật và ông nhận thấy nếu chỉ đem phổ biến một phương pháp nào đó với thể tạng mảnh khảnh nhỏ bé của người Việt thì khó đạt kết quả như ý. Hơn nữa, trong mọi cuộc chiến đấu vấn đề tinh thần và danh dự vẫn là 2 yếu tố quan trọng để quyết định sự thành bại.
Bởi vậy ngoài phần võ thuật và tinh thần võ đạo, ông còn muốn ràng buộc các môn đệ sau này của ông vào danh dự Tổ quốc. Nghĩa là thanh niên Việt Nam phải có phương pháp tự vệ mang danh dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho tinh thần tự chủ bất khuất của tiền nhân để khi chiến đấu phát huy được cái hùng khí, quyết đem vinh quang về cho Tổ quốc, cho môn phái.
Một môn sinh Vovinam với tư cách cá nhân có thể rất hiền lành, nhã nhặn, song khi bắt buộc mang danh nghĩa dân tộc và môn phái chiến đấu với ai thì chỉ có thể chiến thắng vinh quang hoặc chết vẻ vang chứ không chịu làm nhục quốc thể và tổn thương danh dự môn phái.
Với luận cứ đó, ông đã lấy môn vật và võ cổ truyền Việt Nam làm nòng cốt, khai thác tinh hoa võ thuật đã có trên thế giới để sáng tạo thành môn phái riêng đặt tên là Vovinam. Năm 1938 cuộc nghiên cứu hoàn tất, ông bí mật đem Voviam ra huấn luyện cho một số thân hữu cùng lứa tuổi. Ngót một năm sau, mùa thu năm 1939, ông đem lớp võ sinh đầu tiên công khai ra mắt dân chúng tại Nhà hát lớn Hà Nội mà thành công rực rỡ. Từ đó, Vovinam trở thành môn phái võ riêng của Việt Nam, châm ngòi cho phong trào công khai chống Pháp trong dân chúng.
Trong quá khứ, Vovinam phát triển mạnh mẽ trong quần chúng. Sự hâm mộ Vovinam bộc lộ bằng những khẩu hiệu: không học Vovinam không phải là người yêu nước. Sau này võ sư Nguyễn Lộc vào Sài Gòn gây dựng phong trào và thành lập Việt Nam Võ Sĩ Đoàn. Ông mất năm 1960, an táng tại Sài Gòn, sau khi đã trao quyền chưởng môn cho người môn đệ trưởng tràng - võ sư Lê Sáng.
Gã đạo diễn điện ảnh lãng tử- Người đặt những viên gạch đầu tiên cho sự trở lại của Vovinam tại Hà Nội
Trải qua những thăng trầm và biến thiên của lịch sử, chiến tranh kéo dài liên miên và ác liệt, Vovinam dần dần mai một đi. Sau năm 1975, một số môn sinh ra nước ngoài định cư sinh sống và mang theo Vovinam như một thứ hành trang linh thiêng khẳng định cốt cách hồn vía của dân tộc Việt trong tinh thần người Việt. Tâm niệm của họ dù phải sống tha hương xa xứ bất cứ nơi đâu thì họ vẫn là người Việt Nam, tinh thần thượng võ thể hiện trong Việt Võ đạo.
Theo bước chân người Việt lan toả trên khắp thế giới, Vovinam phát triển hoàn toàn bằng con đường tự phát. Ban đầu do các du học sinh mở lớp huấn luyện tại châu Âu. Sau này số người Việt ra định cư nước ngoài ngày càng nhiều, các võ đường Vovinam phát triển ngày càng đông ở nhiều nước.
Trên bình diện quốc tế, Liên đoàn Vovinam được sáng lập từ tháng 8 năm 1996, phổ biến ở 25 quốc gia với hơn 200.000 môn sinh thường xuyên luyện tập. Hiện nay trên thế giới có tới 40 quốc gia có Liên đoàn Vovinam và Vovinam trở thành môn võ yêu thích của đông đảo võ sinh trên thế giới theo luyện và thi đấu. Trong đó phong trào Vovinam phát triển mạnh mẽ nhất ở Liên bang Nga và các nước cộng hoà thuộc Liên xô cũ, Pháp, Mông Cổ.v.v..
Sự trở lại ngày một lớn mạnh và hùng hậu của Vovinam ở Hà Nội không thể không nhắc đến một nhân vật khá nổi tiếng. Đó là võ sư Phạm Quang Long - xuất thân là một đạo diễn sân khấu điện ảnh nhà nghề từng công tác tại Hãng phim Truyền hình Việt Nam.
Anh theo học Vovinam từ năm 1982 với người thầy đầu tiên là võ sư Nguyễn Văn Chiếu tại Sài Gòn, (ông hiện là Chủ tịch Vovinam - Việt Võ Đạo - TPHCM). Tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh, công việc của một đạo diễn phim đã đưa Phạm Quang Long trở về với nghiệp võ, niềm đam mê yêu thích từ bé. Mơ ước xây dựng được những bộ phim về võ thuật của Việt Nam hấp dẫn người xem, anh âm thầm miệt mài tiếp tục luyện võ thành tài.--PageBreak--
Song song làm công tác đạo diễn, Phạm Quang Long mở võ đường dạy võ Vovinam và là người đã chiêu sinh khoá đầu tiên huấn luyện Cascadeur tại trường Sân khấu Điện ảnh. Năm 1994 Hà Nội thành lập Câu lạc bộ Cascadeur đầu tiên do võ sư Phạm Quang Long làm Chủ nhiệm. Từ bấy đến nay, CLB đã hoạt động được 11 năm với khoảng 2000 võ sinh theo học môn Vovinam - Việt - Võ - Đạo. Hiện CLB chọn được 20 võ sinh điêu luyện hành nghề Cascadeur.
Năm 1998, võ sư Phạm Quang Long sang Nga học khoá đạo diễn nâng cao. Cũng chính tại đây, Phạm Quang Long đã dày công phát triển và xây dựng phong trào Vovinam trên đất bạn. Với niềm đam mê Vovinam, anh đã cùng đội ngũ quản lý am hiểu về thể thao xây dựng phong trào luyện tập. Nhờ vậy Vovinam bước đầu bám rễ tại các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ.
Trước sự lớn mạnh của phong trào, Bộ Tư pháp Liên bang Nga đã cấp giấy phép cho Liên đoàn Vovinam Nga hoạt động. Lãnh đạo chủ chốt của Liên đoàn có võ sư Phạm Quang Long là giám đốc kỹ thuật. Hằng năm, ngoài các giải tỉnh, Liên đoàn còn tổ chức giải Vô địch Vovinam toàn nước Nga, thu hút hàng ngàn thanh niên Nga tham gia thi đấu.
Trong khi phong trào Vovinam phát triển mạnh mẽ trên thế giới, thì ở Việt Nam, ngoài địa bàn TP Hồ Chí Minh phát triển khá sôi động, thì ở quê hương của cụ tổ và ở thành phố Hà Nội - cái nôi sáng lập ra môn phái, nhiều người còn chưa biết đến Vovinam. Nung nấu một quyết tâm gây dựng lại phong trào Vovinam, năm 2005 võ sư Nguyễn Quang Long trở về nước cùng các cộng sự và môn sinh yêu quý Vovinam đã bắt tay vào việc truyền bá, phát triển Vovinam trong cộng đồng.
Đến nay, Vovinam- Việt Võ Đạo đã phát triển lớn mạnh trong nước và nước ngoài, được ngành Thể dục Thể thao chú trọng phát huy và quảng bá. Vovinam- Việt Võ Đạo là môn phái võ Việt Nam duy nhất có hệ thống các giải thi đấu chính thức của Hội khoẻ Phù Đổng và Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc. Các vận động viên Vovinam - Việt Võ Đạo đạt thành tích cao cũng được Ủy ban Thể dục thể thao phong cấp kiện tướng như các môn thể thao khác. Trên thế giới, Vovinam đã được phổ biến ở hầu hết các châu lục. Các giải vô địch thế giới cũng như nhiều giải quốc tế Vovinam - Việt Võ Đạo cũng đã được tổ chức.
Vovinam- mở đường vào Asian Indoor Games
Thành công mới đây nhất của Vovinam-Việt Võ đạo là nhân dịp Ủy ban Olympic Việt Nam sang họp Hội đồng thể thao Đông Nam Á tại Thái Lan vừa qua, môn võ Vovinam đã được giới thiệu nhằm thuyết phục các nước trong khu vực ủng hộ để đưa vào thi đấu chính thức tại Asian Indoor Games 2009.
Về cơ bản buổi thuyết trình và giới thiệu đã thành công tốt đẹp. Hiện nay, Lào, Campuchia, Thái Lan đã và đang chuẩn bị gửi huấn luyện viên sang tập huấn Vovinam để chuẩn bị cho Asian Indoor Games 3 sắp tới. Với sự ủng hộ tuyệt đối của Nhà nước, Sở Thể dục thể thao Hà Nội và Ủy ban Thể dục thể thao Quốc gia, Vovinam đã đặt được nền móng vững chắc để đưa Vovinam Việt Nam bước ra khu vực và thế giới như một môn thể thao chính thức.
Trước tương lai sáng sủa của Vovinam, Sở Thể dục thể thao Hà Nội đã thành lập Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo lâm thời do ông Trần Đức Dũng (Tiến sỹ - PGS, Hiệu trưởng trường Đại học Thể dục thể thao) làm Chủ tịch và khi Vovinam đã trở thành bộ môn thể thao thi đấu chính thức ở các giải đấu khu vực và thế giới thì việc thành lập Liên đoàn Vovinam là điều tất yếu phải xảy ra.
HLV Lê Hải Bình hiện đang công tác ở Bộ Ngoại giao, thư ký riêng của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, một trong những gương mặt huấn luyện viên xuất sắc của Vovinam (đang huấn luyện tại trường thể thao 10-10) tâm sự: "Nhiều người nước ngoài đã hỏi tôi Hàn Quốc có Taekwondo, Nhật có Karater, trong khi đó Việt Nam có Vovinam, một môn võ rất đặc sắc, lại mang tính thể thao cao, không hề thua kém bất cứ môn phái nào sao các bạn không xây dựng và phát triển thành quốc võ của dân tộc.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Anh em trong ban huấn luyện chúng tôi cố gắng đến mức cao nhất làm sao để truyền bá cho mọi người hiểu về Vovinam và khi nhắc đến Vovinam là nhắc đến tinh thần thượng võ của dân tộc, là niềm tự hào của người Việt Nam vì Vovinam chứa đựng bản sắc dân tộc Việt, là tinh tuý, hồn cốt của dân tộc Việt trong môn võ. Học võ Vovinam thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Chúng tôi đã và đang đưa Vovinam vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục nhà trường, trở thành một môn học thể chất cho học sinh sinh viên.
Hiện nay có trên 10 trường trung học và đại học đưa Vovinam vào giảng dạy. Sắp tới mô hình này sẽ còn được nhân rộng trong trường học để cho các em học sinh ngoài việc học văn hoá còn được rèn luyện bản lĩnh, chí khí và sức mạnh, lòng tự hào dân tộc thông qua Vovinam".
Nguyễn Ngọc Quân, vận động viên hạng 50kg của đội tuyển Vovinam Hà Nội bộc bạch: "Em lựa chọn Vovinam bởi môn võ này chứa đựng Đạo của người Việt với triết lý nhân sinh quan mang đậm bản sắc dân tộc phối hợp với những nét tinh hoa của văn hoá thế giới. Vovinam - Việt Võ Đạo rèn luyện cho môn sinh một tinh thần yêu nước, bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, nhân ái, lối sống trong sạch và nhiệt huyết. Có một điều mà không phải ai cũng biết là Vovinam mang lại sức khoẻ cho con người, giúp con người chiến thắng được các căn bệnh mãn tính. Nhắc đến Vovinam là nhắc đến niềm tự hào của người Việt Nam. Đã là người Việt Nam, chúng ta nên học võ Việt Nam"
Lê Bình