Ngay từ những buổi đầu, ông đã được Võ sư Nguyễn Lộc đặc biệt chú ý. Bởi, ngoài việc thừa hưởng căn bản võ thuật của gia đình, thì ông còn có năng khiếu hơn người, nên đã tiến bộ một cách vượt bậc, trở thành một trong những môn đệ ưu tú và xuất sắc nhất của Võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc. Tuy nhiên, không bao lâu sau, Võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc qua đời (Năm 1960), cũng là lúc Chính phủ Ngô Đình Diệm cấm tất cả các hoạt động võ thuật, trong đó có Vovinam.
Ông vốn là Giáo sư toán tại các trường Trung học Sài Gòn, nên tận dụng lợi thế này, ông vẫn âm thầm đơn phương mở võ đường, giảng huấn và đào tạo nhân sự nòng cốt qua phong trào "Thanh niên khỏe luyện tập Vovinam" với đầy đủ ba phương diện : Trí, Đức, Thể, tại các trường nơi ông dạy văn hoá. Nhờ đó, phong trào Vovinam trong giai đoạn này, không những không bị gián đoạn mà trái lại còn được phát triển rộng rãi. Số môn sinh tăng lên rất đông. Kết quả Ông đào tạo được một đội ngũ huấn luyện viên trẻ, tâm huyết, lý tưởng và có trình độ cao, đó cũng là nền tảng đưa đến sự phát triển mạnh mẽ cho các phong trào Vovinam- Việt Võ Đạo trong giai đoạn 1964-1975.
Thời điểm này, nhiều võ đường không những không bị giải tán mà trái lại còn phát triển rộng rãi đến quảng đại quần chúng, thu hút được nhiều môn sinh, nhất là giới sinh viên, học sinh và trí thức.
Phải nói Vovinam trong thời kỳ 1960-1964, là một thời kỳ lịch sử hy hữu và huyền diệu !
Cùng với nhiều võ phái khác, sau cuộc đảo chánh bất thành của một nhóm hoạt động võ thuật tại Sài Gòn. Môn phái Vovinam dù không liên quan cũng bị cấm đoán, phải tập huấn trong bí mật, rồi đột nhiên lại bước ra ánh sáng huy hoàng, đưa Vovinam-Việt Võ Đạo vào một quĩ đạo lịch sử mới và mở ra một tương lai hứa hẹn.
Những thành quả trên còn được tô đậm thêm qua những hoạt động xã hội-từ thiện cao đẹp, đã đưa Vovinam-Việt Võ Đạo đi sâu vào mọi tầng lớp quần chúng, trở thành một tập thể dân sự hữu ích cho xã hội, vì biết phục vụ cho con người và cho nhân loại.
Võ sư Trần Huy Phong là vị thầy có công lớn trong khúc quanh lịch sử quan trọng này. Ông đưa Môn phái từ một vài võ đường nhỏ bé, đang trong thời điểm cấm đoán và bế tắc, trở thành một đại phái có vị trí bề thế trong xã hội. Chính nhờ thế, Vovinam-Việt Võ Đạo đã đặt được một nền tảng vững vàng, tiến đến giai đoạn trưởng thành trong những năm phát triển cao độ 1964-1975, mà ngày nay các môn sinh trên thế giới đang tiếp tục thừa hưởng.
Đầu năm 1964, Vovinam-Việt Võ Đạo được hoạt động tự do trở lại, ông cùng với các Võ sư đương thời như: Lê Sáng, Phùng Mạnh Hoàng, Nguyễn Văn Thư, Ngô Hữu Liễn, Phan Quỳnh, Trần Bản Quế, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Thông... lên phương án và thiết lập một chương trình pháp lý hóa cho Môn phái. Ban chấp hành Môn phái được thành lập, Võ sư Lê Sáng được bầu làm Chưởng môn, Võ sư Trần Huy Phong đóng vai trò thứ hai trong Môn phái với ba nhiệm vụ : Phụ tá Chưởng môn, kiêm Trưởng ban nghiên kế và Trưởng ban huấn huyện.
Ngay sau đó, một dự án phát triển vĩ mô trên toàn quốc được ra đời, mở ra một kỷ nguyên huy hoàng nhất trong lịch sử Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo.
Võ sư Trần Huy Phong cùng với các Võ sư đương thời soạn thảo và hình thành các cơ chế và qui chế sau đây :
•Thành lập Tổng hội Vovinam-Việt Võ Đạo (Liên đoàn quốc gia).
•Soạn thảo Qui lệ Môn phái (Qui lệ 1964).
•Thành lập Ban chấp hành Trung ương
•Thiết lập chương trình Võ thuật và Võ đạo
•Soạn thảo chương trình huấn luyện.
•Biên soạn chương trình võ đạo.
•Soạn thảo 10 điều tâm niệm.
Thiết lập các qui luật căn bản
•Chuyển danh xưng Vovinam thành Vovinam-Việt Võ Đạo.
•Qui định mẫu võ phục và thành lập hệ thống đẳng cấp.
•Thiết lập Hệ thống và Qui luật thi Vovinam-Việt Võ Đạo.
•Thiết lập quy định truyền thống trình luận án.
•Chế tác phù hiệu Vovinam-Việt Võ Đạo.
•Ấn định các nghi thức và nghi lễ.
Đồng thời để thực hiện ý tưởng của Sáng tổ Nguyễn Lộc, ông đã góp công khảo cứu và đóng góp vào hệ thống kỹ thuật cho Vovinam-Việt Võ Đạo như sau :
•Triển khai hệ thống Đòn chân trung đẳng từ số 13 đến 21.
•Đặt nền móng cho hệ thống chiến lược qua 10 đòn Chiến lược căn bản đầu tiên của Môn phái, dựa trên những khái niệm do Sáng tổ Nguyễn Lộc hướng dẫn.
•Triển khai hệ thống vật qua 15 thế vật cơ bản, rút kinh nghiệm từ các bài song luyện và vật cổ truyền.
•Thành lập hệ thống tay không bắt vũ khí như : Tay không bắt mã tấu; Tay không bắt búa; Tay không bắt súng lưỡi lê; Tay không bắt gậy...
•Triển khai hệ thống giao đấu tự do (Đối kháng) và các luật lệ tranh giải.
•Triển khai các công phu luyện tập : Bát Thủ Pháp, Thập Nhị Bát Thức…
•Ông cùng với Võ sư Phan Dương Bình triển khai và thành lập bộ môn Khí Công Dưỡng sinh và Khí Công Võ Gia Vovinam-Việt Võ Đạo.
Về lý thuyết võ đạo.
Võ sư Trần Huy Phong đã có công nghiên cứu và triển khai các lý thuyết sau đây :
•Luật Cương Nhu Phối Triển thành một hệ thống triết học, đồng thời lấy triết lý cây tre làm căn bản để dẫn giải.
•Chứng minh và lý giải các phương pháp té ngã Vovinam-Việt Võ Đạo bằng động lực học và toán học.
•Chứng minh tính dân tộc của Việt Võ Đạo.
•Chứng minh tính khoa học của Việt Võ Đạo.
•Chứng minh tính giáo dục của Việt Võ Đạo.
•Soạn thảo Nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy.
•Viết sách Chủ Thuyết Cách Mạng Tâm Thân.
•Soạn thảo giáo trình trong việc giảng dạy tại phân khoa Giáo dục Tâm thể trong trường Đại học Hùng Vương.
•Soạn thảo lý thuyết và thực hành giáo trình luyện võ cao cấp: Nội Công Tâm Pháp.
Phong trào võ thuật học đường.
Năm 1965. Giáo sư Trần Ngọc Ninh, Tổng Trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, nhân chuyến thăm viếng Nam Triều Tiên, nhận thấy các trường trung học và quân đội Triều Tiên đều tập môn Thái Cực Đạo (Taekwondo) một môn được đặc biệt nâng cao lên hàng quốc võ.
Khi trở về nước ông có ý định đưa võ thuật vào học đường để phát huy tinh thần lành mạnh và tính quật cường cho giới trẻ Việt Nam.
Nhân dịp này, võ sư Phùng Mạnh Hoàng với tư cách là Trưởng Ban Ngoại giao của Môn phái, đã khéo léo liên hệ và thành công trong việc đưa Vovinam Việt Võ Đạo trở thành một trong 3 bộ môn Nhu Đạo (Judo) Thái Cực Đạo (Taekwondo) và Vovinam Việt Võ Đạo được Bộ Giáo dục chọn lựa để đưa vào học đường.
Nhân dịp này Võ sư Trần Huy Phong được mời thuyết trình dự án Võ thuật hóa Học đường.
Qua buổi thuyết trình trên, ông đã thuyết phục và chứng minh được sự lợi ích của võ thuật trong học đường, về phương diện thể dục thể thao và tinh thần võ đạo cho các thanh niên và sinh viên Việt Nam. Ông được toàn thể đại hội hoan nghênh và quyết định đưa môn Vovinam Việt Võ Đạo thành một bộ môn trong chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục, được gọi là môn Giáo dục Tâm thể.
Bắt đầu từ năm này, chương trình võ thuật học đường, được phát triển mạnh mẽ tại các trường Trung học : Chu Văn An, Trưng Vương, Cao Thắng, Gia Long (Nay là Nguyễn Thị Minh Khai) và Pétrus Ký (Nay là Lê Hồng Phong).
Vào thời điểm đó, Võ sư Phùng Mạnh Hoàng và Trần Huy Phong vốn là các Giáo sư tại các trường Trung học Sài Gòn, thường giao lưu và quen biết các giáo giới nên đã thức thời xin giấy phép biểu diễn chiêu sinh tại các trường Trung học nói trên.
Liên tiếp hàng trăm lớp võ được khai giảng và chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 8.000 học sinh ghi danh luyện tập Vovinam-Việt Võ Đạo.
Năm 1966, ông và Võ sư Phùng Mạnh Hoàng thành lập Trung tâm Huấn luyện Hoa Lư, tại số 2 bis Đinh Tiên Hoàng, Sài Gòn. Ông kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm này. Đây là một võ đường danh tiếng của Môn phái trước 1975. Thường xuyên có hàng ngàn Môn sinh theo tập và đào tạo rất nhiều võ sư xuất sắc, hiện nay họ vẫn đang hoạt động khắp nơi trên thế giới.
Năm 1968, Võ sư Trần Huy Phong thành lập Tổng đoàn Thanh niên Việt Võ Đạo. Một tổ chức chuyên đào luyện các môn sinh về các phương diện : Công tác xã hội, từ thiện, văn hóa, giáo dục và hoạt động thanh niên. Ông là Chủ tịch của Tổng đoàn này và cũng là người đề xướng việc đưa các hoạt động võ thuật vào học đường và soạn ra chương trình võ thuật học đường trước 1975.
Tổng đoàn Thanh niên Việt Võ Đạo đã tổ chức cứu trợ đồng bào nạn nhân của thiên tai và chiến tranh. Giúp cho các đồng bào có được chỗ ăn-ở và nhu cầu hằng ngày trong cơn ly loạn cùng cực. Công tác xã hội-từ thiện này đã gây được một tiếng vang rất lớn trong quần chúng.
Năm 1974, Ông cùng các trí thức miền Nam đương thời như : Ngô Gia Hy, Nguyễn Huy, Hoàng Xuân Định, Nguyễn Trí Văn, Nguyễn Nhã, Lê Linh Thảo, Nguyễn Thượng Nam, Nguyễn Văn Thức... Thành lập Viện Đại học Tư thục Hùng Vương.
Năm 1973, Ông đảm nhiệm chức vụ Tổng Cục Trưởng Tổng cục Huấn luyện Vovinam-Việt Võ Đạo, kiêm Chủ tịch văn phòng phát triển Quốc tế (VietVoDao International Central Office). Với vai trò này ông là người đã đặt viên đá đầu tiên phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo tại hải ngoại, qua việc tổ chức các khoá đặc huấn (1973, 1974) và công nhận Liên đoàn Việt Võ Đạo Pháp (Fédération Française de Viet Vo Dao – Gs Phan Hoàng), đồng thời chính thức cử Huấn luyện viên Trần Nguyên Đạo qua Pháp, đặc trách phát triển Vovinam-Việt Võ Đạo Âu châu, và bắt đầu từ đó Vovinam-Việt Võ Đạo được truyền dạy khắp Âu châu và Phi châu.
Năm 1986, Võ sư Trần Huy Phong lãnh nhận sứ vụ Chưởng môn đời thứ 3 của Môn phái Vovinam-Việt Võ Đạo, theo chỉ dụ của Võ sư Chưởng môn Lê Sáng. Nhưng đến năm 1990 ông trao lại chức vụ Chưởng môn cho vị tiền nhiệm của mình-Võ sư Lê Sáng, để dành thời gian nghiên cứu võ công và viết sách.
Ngoài ra ông cũng là người đã vận động và đứng ra tổ chức các giải vô địch Vovinam-Việt Võ Đạo toàn thành và toàn quốc năm 1992 đầu tiên của Môn phái tại Việt Nam.
Năm 1994, Võ sư Trần Huy Phong lâm bệnh nan y. Dù luôn bị những cơn đau đớn hành hạ trong suốt ba năm cuối đời, Võ sư Trần Huy Phong vẫn dũng cảm chịu đựng và hoàn tất tác phẩm Cách Mạng Tâm Thân, để lại một gia tài văn hóa quí báu cho Môn phái và cho các hậu sinh.
Tháng 5 năm 1995. Võ sư Chưởng môn Lê Sáng chính thức bị đình chỉ chức năng điều hành môn phái và công tác chấm thi, cũng như cấp bằng đẳng cấp.
Dấu mốc lịch sử này xảy ra ngay kỳ thi Cao đẳng Vovinam Việt Võ Đạo tại Thành phố HCM ngày 05/5/1995.
Kỳ thi này đã chuyển tên gọi thành Kỳ thi thăng cấp Vovinam-Việt Võ Đạo lần thứ I-1995, khóa thi này do các võ sư thành viên Ban Điều hành Vovinam Việt Nam (tiền thân của Liên đoàn Vovinam Việt Nam) chấm thi và giấy chứng nhận đẳng cấp do Ban Điều hành Vovinam Việt Nam cấp.
Từ sự kiện thay đổi quan trọng này, VS Trần Huy Phong đã liên tưởng đến thời kỳ sau năm 1954, Vovinam tại Miền Bắc bị đình chỉ hoạt động.
Do vậy, cuối năm 1995, nhân dịp ông được em trai là võ sư Trần Nguyên Đạo đưa sang Pháp chữa bệnh, võ sư Trần Huy Phong đã hội ý, bàn bạc trao đổi với các võ sư Cao đẳng từng theo học với Sáng Tổ Nguyễn Lộc và các võ sư do ông đào tạo, để thành lập Hội đồng Võ sư Lãnh đạo Môn phái, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng, có trách nhiệm gánh vác công việc điều hành môn phái nếu Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo trong nước xảy ra tình huống như Miền Bắc sau khi Sáng Tổ vào Nam năm 1954.
Sau khi được sự đồng thuận của các võ sư Cao đẳng Hải ngoại, Võ sư Trần Huy Phong cho tiến hành đại hội thành lập Hội đồng Võ sư Lãnh đạo Môn phái và Tổng Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Thế giới (The Vovinam-VietVoDao World Federation) vào tháng 8 năm 1996. Đại hội đã thành công.
Từ đó Môn phái Vovinam Việt Võ Đạo có thêm một hệ thống lãnh đạo và điều hành độc lập. Dù hệ thống này đạt được rất ít sự đồng thuận của nhiều võ sư trong nước.
Ngày 13-12-1997, Võ sư Trần Huy Phong qua đời tại Sài Gòn. Trước khi ra đi, ông để lại di chúc, nhiều sách quí và tài liệu. Ông dặn dò các môn đệ phải tiếp tục thực hiện hoài bão của ông.
Ngôi sao Bắc Đẩu đã tắt trên bầu trời Vovinam Việt Võ Đạo. Nhưng di sản của ông để lại vẫn luôn là thứ hành trang cần thiết của người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo trên bước đường xiển dương Môn phái.
Tác giả: Sơn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn