Kỷ niệm 63 năm ngày mất của Cố võ sư Nguyễn Lộc, người sáng lập ra môn phái Vovinam

Năm 2023 - kỷ niệm 63 năm ngày mất của Cố võ sư Nguyễn Lộc, người sáng lập ra môn phái Vovinam (1960 - 2023)Và kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái.(1938 - 2023)
Kỷ niệm 63 năm ngày mất của Cố võ sư Nguyễn Lộc, người sáng lập ra môn phái Vovinam



Thời gian trôi qua rất nhanh. Thấm thoát mà đã 63 năm Người rời cõi thế.
Trước đó, tuy thời gian tại thế không nhiều, nhưng Sáng tổ Nguyễn Lộc đã kịp để lại những dấu ấn ghi vào lịch sử võ thuật Việt Nam, (sáng lập một môn võ không chịu sự ảnh hưởng bởi võ thuật Trung Hoa và khép lại tình trạng huấn luyện võ thuật theo cách cửa đóng then cài)
Và cho đến nay, công trình nghiên cứu của ông đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể, kỳ tích này không thể phủ nhận.

vnp vovinam
Môn sinh Vovinam trên khắp thế giới.


Nhìn lại lịch sử võ thuật Việt Nam, điểm qua hầu hết các võ phái trong hệ thống võ thuật Cổ truyền đều ít nhiều cũng ảnh hưởng bởi võ thuật Trung Hoa, với quan niệm Trung Hoa là cái nôi võ thuật! Tuy chưa có gì xác định cụ thể rằng võ thuật Trung Hoa có trước hay võ thuật Việt Nam có trước? 
Điều băn khoăn này là bởi văn hóa Việt tộc chỉ bắt đầu bị ảnh hưởng văn hóa phương Bắc từ những niên đại cuối Công nguyên sang đầu Công nguyên, trong khi Việt tộc đã có những đợt đấu tranh quân sự đơn lẻ (đơn đấu)  hoặc tập thể (quần đấu) từ những niên đại trước Công nguyên rất xa.
Qua những sử liệu, như trống đồng Ngọc Lũ và các vũ khí đào được, chúng ta có thể ước đoán về các loại vũ khí được sử dụng, và kỹ thuật dụng võ trong thời huyển sử như búa rìu: xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ với thế nhảy múa và biểu diễn. Có thể các động tác này đã dẫn tới cân pháp , tức phép đánh búa rìu.
Dao ngắn: qua những di tích đào được bằng đá và bằng đồng. Thì đây có thể đoán thời kỳ này đã có đoản đao pháp (phép đánh dao ngắn). 
Lao, dáo: qua những hình vẽ cổ, mới đầu, chỉ là võ khí dài, hoặc bằng tre, hoặc bằng một thứ cây cứng, nhỏ, có đầu nhọn, có thể phóng đi hay đánh cận chiến. Có thể đã có Thương pháp (phép đánh giáo, thương) và mâu pháp (phép đánh mâu). 
Rồi truyền thuyết An Dương Vương dùng “gươm” chém Mỵ Châu ngồi sau lưng ngựa… Gươm, được chế biến từ dao ngắn đã nâng cao kỹ thuật cận chiến của người huyền sử. Như vậy có thể rút ra được từ đòn, thế, miếng mà lập ra “kiếm pháp” (phép đánh gươm).
Tóm lại, võ học trong thời huyền sử đã đi từ đơn đấu đến quần đấu, rồi thâm nhập vào binh pháp. Hiện tượng này khởi đầu bằng những cuộc giao đấu cá nhân (như trường hợp Lạc Long Quân đánh Ngư Tinh, Sơn Tinh đấu với Thủy Tinh) chuyển sang trường hợp “nhất hổ địch quần hồ” theo lối Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân, rồi mới tới trình độ đưa võ học vào binh pháp như các trận đánh thời An Dương Vương-Hùng Vương thứ 18…
Tuy nhiên không sử liệu nào ghi được các thế hệ tiền bối của chúng ta đã thể hiện những phép đánh ra sao!
Cho đến khi các cuộc chiến xảy ra vào thời kỷ nguyên cận đại thì võ thuật Việt Nam hầu hết đều đã chịu ảnh hưởng của võ thuật Trung Hoa! 
Điển hình là các võ phái lớn của Việt Nam đều có xuất xứ từ đại phái Thiếu Lâm hoặc kết hợp một phần của các võ phái Trung Hoa thông qua những chuyến “tu nghiệp” bên đất Trung Hoa của võ sư người Việt, hoặc võ sư Trung Hoa sang truyền dạy tại Việt Nam.
Do tầm ảnh hưởng này, mà các võ phái Cổ truyền Việt Nam đều rất coi trọng quyền pháp, và truyền thụ võ công theo những điều kiện rất khắc khe theo quan điểm tộc truyền, gia truyền hoặc bí truyền.
Năm 1938, một hiện tượng võ thuật theo quan điểm mới mẻ bắt đầu xuất hiện.
Không chịu ảnh hưởng bởi võ thuật Trung Hoa. Các đòn thế đơn lẽ mang tính cận chiến được chắc lọc từ nhiều võ phái cổ truyền Việt Nam và thế giới, hợp cùng phương pháp vật truyền thống của người Việt Nam. 
Đồng thời mở rộng tiêu chí, truyền thụ rộng rãi, để trang bị đến thành phần thanh thiếu niên khả năng tự vệ và chiến đấu, một cách hiệu quả và nhanh chóng, nhằm đáp ứng tình thế đất nước lúc bấy giờ.
Đó là môn Vovinam do Cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập. 

tải xuống (2)
Môn sinh Vovinam


Bên cạnh đó chính ông cũng là người đã khép lại chuỗi ngày cửa đóng then cài của võ thuật Việt Nam.
Nhiều lớp võ công khai nở rộ. Hàng trăm, hàng ngàn thanh thiếu niên tham gia phong trào, đẩy tinh thần yêu nước lên cao, bằng những câu khẩu hiệu như “Học võ Việt yêu nước Việt”…
Với tài năng võ thuật thiên phú, chỉ trong vòng 2 năm (1936-1938), ông đã nghiên cứu thành công chương trình huấn luyện võ thuật mới, và đặt tên cho môn võ này là Vovinam (viết tắt cụm từ võ Việt Nam). Đây cũng là một bước đi trước thời đại khá xa khi áp dụng từ ghép để cho ra một cụm từ quốc tế hóa cho người nước ngoài dễ đọc, mà mãi đến những năm cuối thế kỷ 20 các tổ chức xã hội, doanh nghiệp của Việt Nam mới bắt đầu sử dụng phổ biến cách quốc tế hóa tên tổ chức hay doanh nghiệp của mình.
Vovinam thời của võ sư Nguyễn Lộc hoàn toàn không có một bài quyền nào, mà ông chỉ chú trọng đến các phép đánh cận chiến bằng các loại vũ khí thô sơ sẵn có, và các thế siết khóa, quăng quật cùng các đòn tấn công bằng tay và chân.
Bên cạnh đó, ông đã thắp sáng ngọn đuốc Cách mạng Tâm -Thân để định hướng cho nhiều thế hệ sau noi theo. (Muốn làm được việc lớn, trước hết phải thay đổi được chính mình).
85 năm trưởng thành và không ngừng phát triển, đến nay Vovinam đã vượt biên giới để mang sứ mệnh quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới. 
Qua đó, có lẽ 63 năm qua Người đã rất hãnh diện và vẫn dõi theo bước chân của những thế hệ môn đồ đang làm rạng rỡ danh Người và sáng ngời 2 tiếng Việt Nam. 
 

Tác giả: Châu Minh Hay

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây