Vào những năm đầu thế kỷ 20, Việt Nam đang trong thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ. Với chính sách ngu dân để cai trị, chúng dùng mọi thủ đoạn để ru ngủ quần chúng, đem lợi danh ra mua chuộc, ngụy trang bằng các cuộc đấu võ tự do hay các phong trào thể thao để huyễn hoặc về cuộc sống an lành, tự do, phóng khoáng (Giống như mô tả trong tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng). Điều đó khiến nhân đân đặc biệt là thế hệ thanh niên trở thành những người chỉ biết vùi đầu vào vui chơi, trụy lạc mà quên đi vận mệnh dân tộc, khiến cho các nhà chí sĩ yêu nước khó lòng gieo mầm cách mạng, lôi kéo họ tham gia giải phóng đất nước.
Trước tình hình đó, chàng thanh niên Nguyễn Lộc nhận thấy cần phải có môi trường sinh hoạt lành mạnh để giúp cho những thanh niên trẻ có một ý thức cách mạng, một tinh thần quật cường, một nghị lực quả cảm song song với một thân thể đanh thép, vững chắc, sức lực mạnh mẽ dẻo dai, có đầy đủ khả năng tự vệ. Đó sẽ là ngôi trường để đào tạọ cống hiến cho đất nước những người con yêu có đầy đủ ý chí và năng lực tất thắng. Với quan niệm đó, Nguyễn Lộc chủ chương dẫn dắt thanh niên làm cách mạng TÂM – THÂN, nghĩa là phải dùng võ thuật để rèn luyện, thay đổi thể chất yếu đuối của bản thân, thân thể có khỏe mạnh thì mới có được trí tuệ minh mẫn, đầu óc sáng suốt để học tập, làm việc, cống hiến cho đất nước.
Mang hoài bão ấy, ngoài việc trau dồi học vấn và đạo đức, ông còn nỗ lực sưu tầm, học hỏi, luyện tập hầu hết các môn võ thuật và ông nhận thấy, môn võ nào cũng có những ưu điểm của nó. Song nếu chỉ đem phổ biến một phương pháp nào thôi, đối với thể tạng mảnh khảnh, nhỏ bé của người Việt thì khó mà đạt được kết quả như ý. Hơn nữa, trong mọi cuộc chiến đấu, vấn đề tinh thần và danh dự vẫn là 2 yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại. Bởi vậy, ngoài phần võ thuật và tinh thần võ đạo, ông còn muốn ràng buộc các môn đệ sau này của ông vào danh dự của Tổ quốc. Nghĩa là thanh niên Việt Nam phải có phương pháp tự vệ mang danh dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho tinh thần tự chủ bất khuất của ông cha để khi chiến đấu phát huy được cái hùng khí, quyết đem vinh quang về cho Tổ quốc, cho Môn phái. Sau một thời gian tập luyện, nghiên cứu, năm 1938 ông đã cho ra đời môn phái võ học mới mang tên vừa quốc tế, những lại rất Việt Nam: Vovinam.
Vovinam Việt võ đạo là một môn võ hiện đại, do người Việt Nam nghiên cứu và sáng tạo ra dựa trên nền tảng là Võ thuật cổ truyền và Vật cổ truyền của dân tộc Việt Nam, có tiếp thu những nét tinh hoa của một số môn võ khác trên thế giới và được điều chỉnh cho phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Vovinam là từ đơn giản hóa của “Võ Việt Nam”, cách gọi này cũng giúp cho người ngoại quốc dễ phát âm, dễ nhớ tạo điều kiện để môn phái phát triển ra Quốc tế dễ dàng hơn. Việt võ đạo là danh xưng được bổ sung vào năm 1964 sau khi võ sư Chưởng môn Lê Sáng tập hợp lại các bài giảng của Sáng tổ về chủ thuyết cách mạng tâm thân và hoàn thiện thêm để xây dựng thành chương trình võ đạo hoàn chỉnh. Từ đây, Môn phái đã thực sự trưởng thành và trở thành một môn phái lớn, ngoài đào tạo về võ thuật còn rèn luyện thêm về tinh thần võ đạo cho môn sinh. Coi giảng dạy võ thuật là phương tiện để thực hiện cách mạng Tâm – Thân (Thay đổi thể chất từ yếu đuối sang khỏe mạnh, có nghị lực, có sức sống. Người có sức khỏe tốt thì mới có điều kiện để sống tốt, tinh thần tốt đẹp, biết nghĩ đến lợi ích cho người khác
Sau khi Sáng Tổ Nguyễn Lộc từ trần vào ngày 30/04/1960, Võ Sư Lê Sáng là Chưởng môn đời thứ II. Năm 1975, Do hoàn cảnh lịch sử rối ren, Võ sư Lê Sáng giao quyền điều hành môn phái cho sư đệ là võ sư Trần Huy Phong (Chưởng môn đờn thứ III).
Đến năm 1995, do tình hình bệnh tật và bận bịu nhiều công chuyện khó mà chuyên tâm được, Võ sư Trần Huy Phong đã làm thư thỉnh nguyện Võ sư Lê Sáng quay trở lại điều hành môn phái. Ngày 31/03/2010, Võ Sư Lê Sáng đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng võ sư chưởng quản Môn phái để đảm bảo sự vận hành tốt hơn của môn phái trong thời đại mới. Như vậy, kể từ thời điểm đó, Môn phái Vovinam sẽ không có Chưởng môn. Lịch sử Môn phái chỉ có Sáng Tổ Nguyễn Lộc, Chưởng môn Lê Sáng, Chưởng môn Trần Huy Phong.
Tổ đường của Môn phái được đặt tại số 31, Sư Vạn Hạnh, Phường 3, Quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự khác biệt của Vovinam so với các môn phái khác thể hiện ở các mặt:
Về mặt võ thuật
Các môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc đều lấy dạy căn bản tấn pháp và đi quyền đầu tiên, sau đó mới dạy phân thế và giao đấu. Trong khi đó, Vovinam dạy phân thế và giao đấu rồi mới đi sâu vào quyền thuật. Do đó giúp môn sinh nhanh chóng đạt được khả năng tự vệ để đáp ứng thời cuộc rối ren khi nước nhà đang bị xâm chiếm.
Các môn võ đa số quá thiên về cương mãnh không phù hợp với thể trạng của người Việt là nhỏ bé, sức lực yếu. Vovinam chủ trương cương nhu phối triển, lấy cây tre làm biểu tượng. Cây tre như đại diện cho người Việt Nam luôn khéo léo, mềm dẻo, linh hoạt. Tùy tình hình mà ứng biến phù hợp, lúc thì mạnh mẽ như sấm sét, lúc thì né tránh và dùng các kỹ thuật đòn bẩy để quật ngã đối thủ mà vẫn giảm thiểu sự tiêu tốn sức lực vô ích.
Về mặt Võ đạo:
Võ đạo nhiều môn phái thường đề cao tinh thần trung quân ái quốc, chủ nghĩa anh hùng cá nhân, tính cách nghĩa hiệp. Võ đạo của Vovinam đề cao cách mạng tâm thân, coi võ thuật là phương tiện để rèn luyện thay đổi bản thân về thế trạng và đặc biệt là về tâm trí nhằm tạo ra thế hệ con người mới có đủ năng lực về thể chất, trí tuệ và lý tưởng cao đẹp để học tập xây dựng bảo vệ dân tộc, quê hương đất nước, nhân loại.